THỰC VẬT TẠI ĐỈNH KON KA KING
Đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh
Là một trong 27 đơn vị được công nhận là Vườn Di sản ASEAN, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (tỉnh Gia Lai) có vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có diện tích hơn 42.000 ha, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku 50 km, phân bố ở 5 xã: Đăk Roong, Kroong, Kron Pne, huyện K’Bang; Hà Đông, huyện Đăk Đoa; Ayun, huyện Mang Yang. Vào năm 2003, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN.
( nguồn baomoi24h.com)
Vườn quốc gia Kon Ka Kinh thuộc nhóm những Vườn di sản ASEAN với đa dạng sinh học cao.
Vườn Quốc gia có các kiểu rừng chính như: rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp; rừng kín hỗn giao lá rộng – lá kim mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp – kiểu rừng chỉ thấy ở Kon Ka Kinh trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam; rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới (diện tích nhỏ); kiểu phụ thứ sinh nhân tác (rừng kín lá rộng thường xanh nghèo kiệt, rừng kín thường xanh phục hồi, rừng le, nứa, rừng trồng, đất trống, trảng cỏ…)
Theo các nhà khoa học, VQG Kon Ka Kinh có trên 1.022 loài thực vật, trong đó có 22 loài ghi tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Các loài quý hiếm như: Pơ mu, chò đãi, kim giao, gõ đỏ, trầm hương, đỉnh tùng…
Do đặc điểm đa dạng về địa hình, khí hậu và một số yếu tố khác hình thành nên rừng, VQG Kon Ka Kinh có hệ thực vật rừng rất phong phú; nơi đây là điểm hội tụ các luồng thực vật như: Luồng thực vật thuộc khu hệ Bắc Việt Nam bao gồm các loài cây thuộc họ đậu, dâu tằm, na, giẻ, thầu dầu và mộc lan…
( nguồn baomoi24h.com)
VQG Kon Ka Kinh sở hữu hệ thực vật rừng phong phú.
Luồng thực vật thuộc khu hệ Vân Nam - Quý Châu và chân dãy núi Himalaya bao gồm các loài cây lá kim của ngành phụ hạt trần như thông nàng, hoàng đàn giả, kim giao, pơ mu... Luồng thực vật thuộc khu hệ Malaixia - Inđônêxia bao gồm các loài cây thuộc họ dầu như: Chò chai, chò đen, chò chỉ... Luồng thực vật Ấn Độ - Mianma bao gồm một số loài cây thuộc họ bàng như: choại; họ tử vi như: Bằng lăng ổi...
Bên cạnh đó, còn có một số loài đặc hữu như: bọ nẹt trung bộ, du moóc, hoa khế, hoàng thảo vạch đỏ, gõ đỏ, lọng hiệp, trắc, thông Đà Lạt, xoay, song bột và một số loài quý hiếm khác được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Không chỉ là nơi có hệ thực vật rừng phong phú, chính nhờ nguồn thức ăn dồi dào, hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ khá tốt đã giúp VQG Kon Ka Kinh thu hút và bảo tồn nhiều loài động vật quý. Nơi đây có một hệ động vật rừng đặc hữu cho cả Việt Nam và Đông Dương. Hệ động vật rừng với 556 loài, trong đó có tới 16 loài đặc hữu, 47 loài ghi tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
( nguồn baomoi24h.com)
Chà vá chân xám là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố ở khu vực trung Trường Sơn với quần thể khoảng 550-700 con.
Ở Kon Ka Kinh, hệ động vật rừng đặc hữu cho cả Việt Nam và Đông Dương bao gồm 5 loài thú lớn như (voọc vá chân xám, vượn má hung, hổ, mang Trường Sơn và mang lớn. 7 loài chim như (khướu đầu đen, khướu mỏ dài, khướu kon ka kinh-loài mới được phát hiện cho khoa học trong vòng 30 năm trở lại đây ở khu vực châu Á, khướu đầu xám, trèo cây mỏ vàng, gà lôi vằn và thày chùa đít đỏ). 4 loài thuộc lớp bò sát ếch nhái (thằn lằn đuôi đỏ, thằn lằn buôn lưới, chàng Sapa, ếch gai sần).
Cùng với sự đa dạng và phong phú của hệ động, thực vật rừng, VQG Kon Ka Kinh còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lưu vực đầu nguồn của các con sông lớn như sông Ba và Sông Đak Pne, cung cấp nước tưới tiêu cho hàng ngàn hécta cà phê, hồ tiêu, đất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho các huyện của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Để công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại VQG Kon Ka Kinh ngày càng hiệu quả, Vườn tiếp tục tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển diện tích rừng hiện có thông qua các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân vùng đệm. Cùng với đó, đơn vị tăng cường phối hợp với lực lượng Kiểm lâm thường xuyên tổ chức những đợt tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng lấn chiếm đất rừng làm rẫy, khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật trái phép.
Đồng thời, Vườn sẽ ứng dụng công nghệ vào hoạt động tuần tra, giám sát bảo vệ rừng; thực hiện nhiều công trình đánh giá đa dạng sinh học có định hướng, có giải pháp để tăng hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học.
0 Nhận xét