Hot Posts

6/recent/ticker-posts

Kon Ka Kinh – Điểm nhấn của ngành du lịch trong tương lai

 

Kon Ka Kinh – Điểm nhấn của ngành du lịch trong tương lai

    Dù bước đầu chỉ mới thử nghiệm, nhưng với tầm nhìn chiến lược, nhất là sau khi đã học hỏi kinh nghiệm khai thác du lịch ở những vườn quốc gia khác, lãnh đạo Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tin rằng đây sẽ là điểm du lịch mới đầy hấp dẫn trong tương lai.


    Nội dung bài viết:

    I .Đưa Kon Ka Kinh vào “bản đồ du lịch”.

    II. Đưa Kon Ka Kinh vào “bản đồ du lịch”

    III .Các tuyến du lịch của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh



    Xem thêm:


    I .Đưa Kon Ka Kinh vào “bản đồ du lịch”

    Dự án mới mẻ nói trên đã có cơ hội thử nghiệm với 2 đoàn khách du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh, một đoàn du khách 20 người và một nhóm phượt 7 người cùng đăng ký tuyến tham quan khám phá và chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh. Hành trình của chuyến đi kéo dài 4 ngày 3 đêm do chính cán bộ của Vườn trực tiếp dẫn đoàn. Đa số du khách đều cho rằng Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn mang đậm vẻ đẹp hoang sơ, rừng nguyên sinh còn nhiều do chưa có tác động lớn của con người, có nhiều thác, suối rất đẹp. Chính vì độ hoang sơ đó nên việc chinh phục đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai” không hề đơn giản.

    du lịch gia lai, du lịch pleiku, điểm đến, kon ka kinh, kon ka kinh – điểm nhấn của ngành du lịch trong tương lai

                                          ( nguồn baomoi24h.com) 

    Quang cảnh từ trên đỉnh Kon Ka Kinh nhìn xuống. Ảnh: Minh Triều

    “Phượt thủ” Vũ Hoàng Long đang công tác tại một công ty du lịch ở TP. Hồ Chí Minh, thành viên của nhóm phượt từng chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh năm 2012-chia sẻ những cảm nhận khó quên khi một lần đến với nơi này: Về độ dốc thì Kon Ka Kinh ngang ngửa Vườn Quốc gia Bi Doup-Núi Bà, thua Lang Biang (Lâm Đồng) chút xíu. Theo nhật ký hành trình của bạn trẻ mê du lịch khám phá này thì để vượt từ độ cao 1.000 mét đến 1.748 mét trên đỉnh Kon Ka Kinh, cả đoàn đã phải leo trèo, đu bám và bò lên một con dốc hơn 45o toàn đá to, đá nhỏ, một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu. Đây là một thử thách về sức khỏe, sự chịu đựng và ý chí con người.

    Kon Ka Kinh là một trong 5 vườn của Việt Nam (cùng với Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Ba Bể, Chư Mom Ray, U Minh Thượng) trong tổng số 27 vườn quốc gia của Đông Nam Á được công nhận là Vườn Di sản Asean. Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có nhiều suối, thác tự nhiên tuyệt đẹp như: thác Đak Pooc, thác 110, suối Tơ Bưng, Đak Pơ Glung… Rừng có nhiều loại cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có những cây đường kính tới vài người ôm, một số cây đặc biệt quý hiếm như trắc, hương, dổi, pơ mu… và đặc biệt là cây thông 5 lá cổ thụ quý hiếm. Kon Ka Kinh còn là nơi phân bố chủ yếu của loài linh trưởng cực kỳ quý hiếm là loài đặc hữu của Việt Nam-voọc chà vá chân xám. Đây là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới…

    Ngoài ra, rừng già nơi đây còn “ưu ái” cả nhóm với số lượng vắt nhiều vô kể do nhóm khởi hành vào mùa mưa. Long hóm hỉnh: “Đàn đàn lũ lũ những con, cháu, chú, cụ vắt thật dễ thương xinh xắn, đáng yêu đã xuất hiện và chào đón anh em phương xa với một tình cảm rất nồng hậu và chân thành. Chúng thi nhau đeo bám, luồn sâu vào người của anh em để lưu lại trên cơ thể anh em những dấu vết khó phai và những ký ức khó quên về một Kon Ka Kinh hùng vĩ, hoang sơ…”. Cả đoàn vừa đi vừa động viên lẫn nhau, cuối cùng thì sau 4 giờ dồn toàn bộ sức lực vào đôi chân để đạp trên đá và đôi tay để đeo bám cành cây, đỉnh Kon Ka Kinh tuyệt đẹp đã hiện ra trong sự vui sướng tột độ của mọi người.

    Hoàng Long cho biết, trước khi tham gia chuyến đi này, từng thành viên trong nhóm đã tốn không ít thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu. Những thông tin hấp dẫn về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cứ lần lượt mở ra như thôi thúc sự tò mò khám phá của nhóm phượt được cho là khá chuyên nghiệp này.

    Vũ Hoàng Long khẳng định sẽ quay lại chinh phục Kon Ka Kinh lần 2 vào đầu năm 2014, đồng thời sẽ chọn tuyến hành trình khám phá dài ngày để có thể thưởng thức hết vẻ đẹp nơi đây.

     II. Đưa Kon Ka Kinh vào “bản đồ du lịch”

    Là người trực tiếp xây dựng dự án phát triển du lịch cho Kon Ka Kinh, anh Đinh Khánh Toàn-Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ Môi trường rừng (trực thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh)-khẳng định: Tiềm năng về du lịch của Kon Ka Kinh là rất lớn. Dựa trên những lợi thế có thể khai thác du lịch, Vườn đã khảo sát được một số tuyến và bước đầu sẽ triển khai đưa vào hoạt động phát triển du lịch với các loại hình như: du lịch sinh thái; du lịch mạo hiểm; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng tìm hiểu nét độc đáo trong đời sống sinh hoạt của cư dân bản địa, tham gia các lễ hội truyền thống, đâm trâu, bỏ mả của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.

    du lịch gia lai, du lịch pleiku, điểm đến, kon ka kinh, kon ka kinh – điểm nhấn của ngành du lịch trong tương lai

                                           ( nguồn baomoi24h.com)  

    Thác 3 tầng kỳ vĩ. Ảnh: Minh Triều

    Bên cạnh đó là tổ chức du lịch theo kiểu Homestay (cùng ăn, cùng ở, cùng tìm hiểu văn hóa của người Bahnar), đốt lửa trại bên nhà rông cùng thưởng thức không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, uống rượu cần, ăn cơm lam, thịt nướng và một số đặc sản khác của người bản địa… “Ban đầu sẽ phục vụ chủ yếu cho giới trẻ và các nhóm phượt trong cả nước, sau đó nếu nhu cầu lớn hơn nữa thì sẽ dần dần phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nghiên cứu kết hợp thực địa…”-Đinh Khánh Toàn cho biết thêm về kế hoạch phát triển du lịch của Kon Ka Kinh.

    Ông Nguyễn Văn Hoan-Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-cũng chia sẻ: Hiện đề án phát triển du lịch của Vườn đang trong giai đoạn hoàn tất, các tuyến, tour du lịch đã được định hình. Một trong những mục tiêu mũi nhọn của Vườn là xây dựng các tuyến du lịch dã ngoại đường trường khám phá, chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh dài ngày. Tuyến này tuy có gian khổ hơn nhưng lại là lựa chọn yêu thích của dân phượt bởi “họ thích đi kiểu như vậy, thích được thử thách bằng những chuyến đi dài ngày trong rừng để ngắm nghía cảnh quan”, cũng nhờ đó các bạn trẻ sẽ hiểu thêm về vai trò của rừng trong cuộc sống để quảng bá cho công tác bảo vệ rừng được tốt hơn.

    Để triển khai dự án, bước đầu Vườn đã tiến hành làm việc với các trung tâm du lịch lữ hành trong tỉnh và đã được mời đi tham quan học tập kinh nghiệm ở một số địa phương khác. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng đã đồng ý xem Kon Ka Kinh là một tour du lịch riêng, theo đó Kon Ka Kinh sẽ được kết nối với các tuyến du lịch trong “bản đồ du lịch” của Gia Lai và đưa vào chương trình đề án phát triển du lịch của tỉnh.

    III .Các tuyến du lịch của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh:

    – Tuyến 1: Bắt đầu từ trụ sở của Vườn đi qua vườn thực vật đến Trung tâm Cứu hộ Bảo tồn và Phát triển sinh vật (1 ngày).

    – Tuyến 2: Bắt đầu từ trụ sở của Vườn đi lên đỉnh Đá Trắng rồi về Trạm-
    Nghiên cứu Động vật (1 ngày, 1 đêm).

    – Tuyến 3: Bắt đầu từ trụ sở của Vườn đi lên cây thông 5 lá cổ thụ và thác 3 tầng rồi về Trạm Nghiên cứu Động vật (1 ngày, 1 đêm).

    – Tuyến 4: Bắt đầu từ trụ sở của Vườn đến Trạm Nghiên cứu Động vật và tham quan thác Hngoi (1 ngày, 1 đêm).

    – Tuyến 5: Bắt đầu từ Trạm Kiểm lâm số 2 đi tham quan thác 110 (1 ngày, 1 đêm).

    – Tuyến 6: Bắt đầu từ Trạm Kiểm lâm số 2 đi tham quan khám phá thác 95 (4 ngày, 3 đêm).

    – Tuyến 7: Bắt đầu từ Trạm Kiểm lâm số 5 đi khám phá chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh (4 ngày, 3 đêm).

    Đăng nhận xét

    1 Nhận xét