Hot Posts

6/recent/ticker-posts

Từ Bạch Mã đến Kon Ka Kinh

 

Từ Bạch Mã đến Kon Ka Kinh


Đang trên đỉnh cao gần 1.400 mét so với mặt nước biển của Vườn Quốc gia Bạch Mã thuộc Thừa Thiên Huế, mà tôi cứ huyên thuyên với các đồng nghiệp chủ nhà về vườn của mình, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, di sản ASEAN của Gia Lai, thì thật là vô lối

Thế nhưng các đồng nghiệp của tôi vẫn chăm chú nghe những lời… có cánh của ông khách xa, thật lạ. Quả là bên trong Kon Ka Kinh còn rất xa lạ với mọi người, thậm chí cả không ít người địa phương đã từng “sở hữu” nó bao đời nay. Mỗi nơi có những điều khác biệt nhau, không thể so sánh, tuy vậy, tôi vẫn ngầm ngẫm nghĩ về những điều đang diễn ra ở hai nơi, Bạch Mã và Kon Ka Kinh.

Trên đỉnh Bạch Mã. Ảnh: Tâm Huệ

Mới đây, một lần nữa tôi trở lại Kon Ka Kinh, so với mấy năm trước, giờ đã có nhiều đổi thay. Đáng nói là việc thay đổi cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý Vườn cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới, trực thuộc UBND tỉnh Gia Lai. Cơ sở hạ tầng khu trung tâm và hệ thống điện nước, khu hành chính… đều khá khang trang. Đường lên đỉnh Kon Ka Kinh vẫn chỉ là lối mòn vốn có, tuy nhiên đã nhiều hơn những dấu chân để lại của du khách gần xa, nhưng so với Bạch Mã của Thừa Thiên Huế thì còn nhiều điều để nói. Bạch Mã được người Pháp khi còn chiếm nước ta để mắt tới. Đó là vào những năm đầu thập kỷ hai mươi của thế kỷ XX. Người Pháp, thật đáng nể họ trong công cuộc khai phá. Còn nhớ trong hồi ký “Xứ Đông Dương” của mình, ông Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương, khi nhậm chức hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đã dành thời gian tự mình và giao cho thuộc cấp thị sát nhiều vùng đất của xứ Đông Dương, đặc biệt là những vùng đất của Việt Nam. Từ phát hiện ra Sa Pa, Bà Nà, Đà Lạt… đều xuất phát từ ý tưởng ban đầu của vị Toàn quyền này.

Ngắm bình minh trên nóc nhà Hải Vọng Đài. Ảnh: Tâm Huệ

Bạch Mã cũng là nơi những người kế nhiệm ông sau này phát hiện ra. Việc phát hiện và bảo tồn Bạch Mã là bởi cần bảo vệ một loài động vật quý hiếm mà chỉ có ở rừng núi Bạch Mã, không sai. Điều đó có lẽ các nhà khoa học cần có thời gian để tìm hiểu khẳng định thêm; còn việc biến Bạch Mã, nơi rừng núi nguyên sơ, hiểm trở nhưng vô cùng nhiều các loài động, thực vật cần bảo tồn, mà thời tiết khí hậu quanh năm chẳng khác gì mấy ở tận xứ sở trời Tây, cho nên nó được gắn liền với nơi phục vụ cho những công chức của chế độ đương thời hàng năm nghỉ dưỡng, tham quan, thay vì phải về… cố quốc, cũng là điều dễ hiểu. Vì vậy mà ngay từ đầu những năm 1925, họ đã đổ tiền của vào để xây dựng các cơ sở hạ tầng phù hợp với một nơi nghỉ dưỡng; hệ thống đường đi, các ngôi biệt thự khép kín hoành tráng nguy nga, tráng lệ. Sau ngày thống nhất đất nước, Bạch Mã tiếp tục nhận được đầu tư từ Trung ương và địa phương, nhất là từ khi Bạch Mã được quy hoạch trở thành Vườn Quốc gia.

Đi bộ lên đỉnh Bạch Mã vào sáng sớm là trải nghiệm khá thú vị. Ảnh: Tâm Huệ

Theo chân các đồng nghiệp xứ Huế lên đỉnh Bạch Mã hồi cuối hè năm ngoái, đặc biệt là nữ nhà báo - Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế - Nguyễn Thị Hồng Hạnh, người có vẻ ngoài “chân yếu, tay mềm”, tưởng chừng kém lắm trong chuyện leo trèo trên những đoạn đường cheo leo, luồn rừng lội suối, nhưng lại không phải thế. Hồng Hạnh giới thiệu sơ lược về Bạch Mã cho chúng tôi. Sơ lược là vì… giờ trên mạng internet cái gì cũng có câu giải đáp, huống hồ chi là Bạch Mã nổi tiếng từ lâu. Lách theo một con đường nhỏ, quanh co, lên dốc, lội suối chừng trên dưới 5 cây số trong rừng nguyên sinh đầy tiếng chim hót, nước chảy, thác reo… tôi chợt nhớ về thời xa xưa những con đường giao liên, vận tải dọc ngang Trường Sơn hùng vĩ. Chỉ có chừng ấy cây số lội rừng già Bạch Mã thôi mà tôi ngỡ mình đã lạc về quá khứ, với hàng ngàn cây số đường rừng mà tôi đã từng đi qua trong những tháng năm chiến tranh thời chống Mỹ.

Các thông tin về Bạch Mã khá chi tiết. Ảnh: Tâm Huệ

Đêm về, trong những ngôi biệt thự sang trọng, chúng tôi được làm khách VIP, ở đấy không điều hòa nhiệt độ, chẳng có chiếc quạt nào, lại tù mù với những cái đèn cầy có vẻ… leo lét lắm; điện không thiếu, nhưng chúng tôi muốn thế. Thế mà mọi người vô cùng thích thú, có gì thích thú hơn được gởi bao giấc mơ vào núi rừng trùng điệp, mênh mông hùng vĩ ở một độ cao lưng trời như thế. Thời tiết mấy hôm ấy ủng hộ chúng tôi, không nắng, chẳng mưa, lại cũng không rét lắm. Và một đêm “GALA mini” diễn ra với đoàn nhà báo chúng tôi tại trung tâm của những ngôi biệt thự chừng như khó dứt được, bởi sự nhiệt thành, hiếu khách của đồng nghiệp chủ nhà xứ Huế…

Trở lại chuyện về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, nóc nhà của Gia Lai, “sinh sau đẻ muộn”, mọi thứ hình như còn bao thua thiệt với nhiều bậc vườn trong nước, thuộc đàn anh đàn chị về đầu tư, bảo tồn, phát triển và khai thác. Thế nhưng ở chập chùng rừng sâu núi thẳm này về tài nguyên rừng, sản vật dưới tán rừng, dưới mặt đất, và đặc biệt còn có những loài chim thú, động vật bò sát… đa dạng, phong phú, có những loài nằm trong sách đỏ của thế giới và Việt Nam, như voọc chà vá chân xám chẳng hạn. Có những loài mới phát hiện như khướu Kon Ka Kinh, loài này nằm trong họ nhà chim Timaliidae quý hiếm của thế giới, nếu một lần bạn nghe chúng cất tiếng hót thánh thót giữa rừng, có thể cũng như tôi… chẳng muốn rời khỏi rừng.

Mùa nào Bạch Mã cũng có hoa. Ảnh: Tâm Huệ

Lâm đặc sản, gỗ quý hiếm, đa dạng về những loài bò sát…, là người “sở hữu” Kon Ka Kinh, tôi cho rằng có thể còn có nhiều thứ vô cùng quý hiếm hơn thế nữa ở đây mà các nhà khoa học chúng ta chưa phát hiện. Ở đâu trên mảnh đất hình chữ S này, kể cả phía nước bạn Lào và Campuchia chẳng có cây thuốc quý-mật nhân. Tuy thế, mật nhân ở Kon Ka Kinh với độ núi cao mơ ước ấy (1.748 m) có thể sánh với nhiều loại sâm-Alipas, chẳng hạn. Loại “sâm” này nghe nói cũng chỉ được các nhà khoa học nước ngoài phát hiện có ở Kon Ka Kinh vào thập kỷ 60 của thế kỷ XX đây thôi. Ở Gia Lai có lẽ nhiều người đã không còn lạ những tác dụng của loại “sâm” này đối với sức khỏe của con người.

Như đã nói trên, chuyến đi mới hồi cuối năm ngoái về Kon Ka Kinh, chúng tôi còn được người Kon Ka Kinh cho thưởng thức món rượu còn trong quá trình… “bí mật”, chủ nhà gọi là rượu sâm Kon Ka Kinh, nó còn hơn cả mật nhân-alipas. Nghe đến từ “sâm”, những người già và yếu chúng tôi như được tiếp thêm sức uống, càng uống càng… thèm. Một bữa cơm trưa đạm bạc mà chủ vườn đãi khách đáng để nhớ đời cũng bởi từ loại thức uống có một không hai này. Anh Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc Vườn, người từng gắn bó nơi đây hàng chục năm, bảo với chúng tôi, đấy là loại rượu mà các anh đang trong thời kỳ… thử nghiệm, chưa có ngoài thị trường, “độc quyền đấy các anh ạ”, anh nói thế.

So với Bạch Mã ở xứ Thần kinh, “nóc nhà” của Gia Lai cũng còn nhiều tiềm năng để khai thác. Bạn hãy một lần đến đấy, nghe người nhà ở đấy giới thiệu sẽ thấu hiểu điều tôi nói. Nhưng trước mắt còn nhiều việc phải làm, muốn bảo tồn mọi thứ có giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử ở vùng đất này cần phải có sự đầu tư, phải tốn nhiều tiền, phải có những con người tâm huyết với thiên nhiên, hết lòng với rừng, với đất và nước.

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo lập đồ án khai thác du lịch sinh thái, giới thiệu, quảng bá, kêu gọi đầu tư đối với Kon Ka Kinh, nhưng vấn đề vẫn còn chỉ là… tiềm năng. Công tác bảo vệ rừng, giữ đất, giữ tài nguyên còn có nhiều bất cập, lâm tặc, “thú rừng tặc” vẫn lén lút xâm nhập vào rừng quốc gia; nhất là ở những vùng đệm, người dân còn phá rừng trồng cây công nghiệp trái phép… Với trên 42 ngàn ha, nằm trên địa bàn của 3 huyện mà chỉ chưa đầy 100 người làm công tác bảo về, quản lý, thì chắc sẽ không thể kiểm soát hết mọi việc. Cho nên công tác giáo dục, vận động bà con sống quanh vùng đệm của Vườn tham gia vào việc bảo vệ Vườn là điều cần thiết và lâu dài, với một chính sách phù hợp với thực tế.

Hy vọng trong tương lai gần, cũng như Bạch Mã, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, di sản ASEAN, sẽ được chính quyền tỉnh Gia Lai tiếp tục đầu tư thích đáng, để trở thành là một trong những điểm đến không thể bỏ lỡ của du khách trong và nước khi ghé Gia Lai; và hơn thế, các nhà khoa học cần về lại nơi đây tiếp tục nghiên cứu, khảo sát và tìm hiểu về những giá trị hiện hữu và tiềm năng mọi mặt từ Kon Ka Kinh- nóc nhà của Gia Lai

Áp dụng bộ công cụ SMART vào công tác quản lý bảo vệ rừng Nam Nung.

từ khóa:

vườn quốc gia Kon Ka Kinhdu lịch sinh thái ở Gia LaiVườn Di sản AseanDu lịch sinh thái đường mòn thiên nhiêncao nguyên Pleikurừng hỗn giao,



Đăng nhận xét

0 Nhận xét